Các chính sách mới Trịnh_Doanh

Sau khi lên ngôi, Trịnh Doanh ban hành một số chính sách mới

  1. Bỏ giám ban mà Trịnh Giang đặt ra, khôi phục hai ban văn vũ theo chế độ cũ, để triều đình được nghiêm trọng;
  2. Ba năm xét công trạng các quan một lần, để phân biệt người tốt, người xấu;
  3. Lục dụng người không mắc tội mà phải giáng truất, để cất nhắc người có tài mà bị chìm đắm;
  4. Nghiêm ngặt đối với những đơn xin chức tước hoặc bảo toàn tính mệnh, để con đường làm quan được trong sạch;
  5. Tăng thêm khẩu phần ruộng, để binh lính đủ lương ăn;
  6. Rộng xá thuế tô, thuế dung, để cứu chữa sự đau khổ cho dân;
  7. Đình chỉ tất cả công việc xây dựng, để sức lực của dân được thư thả;
  8. Triệt bỏ các sở tuần ti, bến đò đặt trái phép, để tỏ rõ chính thể khoan hồng;
  9. Cấm chỉ sự ức hiếp và lối đặt tiền trước để mua hàng;
  10. Định lệnh thưởng và phạt tướng sĩ có công hoặc có tội, ra ân rộng rãi cho quân sĩ đã chết vẫn được hưởng miễn trừ;
  11. Định rõ việc khiếu tố các viên quan cai quản làm việc hà khắc nhũng lạm;
  12. Đê đường giao cho viên quan ở trấn đốc thúc sửa đắp, để việc làm ruộng được thuận tiện;
  13. Tiền của cải giao về bộ Hộ giữ gìn quản trị, để việc chi dùng trong nước được đầy đủ;
  14. Các việc kiện tụng, cấm dâng tờ khải khiếu tố càn rỡ;
  15. Miễn tô ruộng cho hai xứ Thanh, Nghệ.

Điều lệnh ban ra, trong ngoài đều mừng rỡ. Trịnh Doanh còn hạ lệnh cho Nguyễn Đình Hoàn đem quân bảo vệ cung Thưởng Trì bắt giết đồ đảng thân tín của Hoàng Công Phụ. Công Phụ còn đóng quân ở Vân Giang, hay tin vội bỏ trốn[1]. Trịnh Doanh lại ban thêm các chính sách khoan hồng

  1. Quan hoặc quân để mất đồ vật công chưa đền, nếu là do thất quản thì miễn tội, nếu nhân việc ấy mà luận tội phạt phải bồi thường thì được khất;
  2. Truy phục quan tước cho Lê Anh Tuấn, Đỗ Bá Phẩm, Nguyễn Thọ Trường;
  3. Bầy tôi can tội lây mà phải giáng truất, nay đều được tẩy rửa tội lỗi và lại được vào chầu chực, như bọn Đào Hoàng Thực, Vũ Công Trấn, Lê Trọng Thứ, Lê Vĩ,...
  4. Con cháu công thần bị lưu lạc dân gian và hàng ngũ quân lính đều xét theo tài năng rồi bổ dụng. Do đấy, người có tài mà bị chìm đắm không ai là không có lòng phấn khởi.

Trịnh Doanh quan tâm đến việc thu phục lòng dân. Biết dân vẫn bất bình việc Trịnh Giang bỏ trưởng lập thứ, vào mùa hạ năm 1740, Trịnh Doanh ép Lê Ý Tông phải truyền ngôi cho con trưởng của Lê Thuần Tông là Duy Diêu, tức là Lê Hiển Tông. Ý Tông lên làm thượng hoàng, ra ở điện Kiến Thọ[1]. Sang năm sau, chúa cấm thu các thứ tiền án phí và không được tịch biên đồ làm ruộng và trâu bò của dân. Năm 1746, ông cho lập lại thuế muối đã hủy bỏ thời Trịnh Giang, để có thêm tiền đánh dẹp các cuộc nổi loạn, cứ 50 mẫu ruộng muối thì nộp 10 hộc muối, tương đương 30 tiền.

Trong sách Tứ bình thực lục, sử quan Đại Việt thời Lê ghi nhận:[2]

"Năm Canh Thân (1740), Chúa đã coi giữ muôn việc, sốt sắng làm việc chính trị, mạnh dạn sửa chính sự, dẹp giặc cướp, cắt đặt và sử dụng người ngay người tốt, dung nạp người thẳng thắn, trấn áp kẻ lộng quyền, truất kẻ tham tàn, bớt lao dịch, khoan nhẹ sưu thuế, tiếng nhân từ bay xa khắp. Chính sự triều đình nghiêm trang, trong khoảng mười ngày, khí tượng rực rỡ tươi mới."